TIỂU SỬ CAO THẮNG (1864-1893) Cao Thắng người làng Lê Động, huyện Hương Sơn,Tỉnh Hà Tĩnh Cao Thắng có dáng người thấp nhỏ, nhưng thông minh lanh lợi, tinh thông võ nghệ, binh thư. Từ lúc nhỏ được người anh của Phan Đình Phùng là Phan Đình Thuật đem về nuôi. Khi Phan Đình Phùng khởi nghĩa (1886), Cao Thắng cùng với em là Cao Nữu và bạn là Nguyễn Kiêu về theo và được phong chức quản cơ. Tại chiến khu của Phan Đình Phùng (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) có riêng một xưởng chế tạo súng đạn theo kiểu Âu Tây, đặt dưới quyền của Cao Thắng. Lần Phan Đình Phùng tạm lánh ra Bắc, Cao Thắng ở nhà cùng với mấy anh em, đồng chí là Cao Nữu, Cao Đạt, Nguyễn Niên về ẩn phục trong vùng rừng núi thuộc làng Lê Động, rồi tìm cách chiêu mộ thêm quân sĩ. Khi nhân thấy binh lực đã tạm đủ, Cao Thắng liền cho người đem mật thư ra Bắc mời chủ tướng Phan Đình Phùng về để tiếp tục cuộc kháng chiến. Sau đó, Cao Thắng từng dự nhiều trận đánh với Pháp, lập được nhiều chiến công oanh liệt. Năm 1892, Cao Thắng đã dùng mưu bắt sống được Tuần vũ Đinh Nho Quang làm chấn động dư luận Nghệ Tĩnh hồi đó. Vào khoảng tháng mười, năm 1893, ông tình nguyện dẫn một đội quân cảm tử mở cuộc tấn công xuống Nghệ An cốt phá nơi đóng quân và tích lương của địch, cũng để gây thanh thế cho nghĩa quân. Sau khi chiếm được mấy tiền đồn, đến đồn Nõ, chẳng may ông bị trúng đạn và mất, năm ấy ông mới 29 tuổi. Di hài đem về an táng tài Ngàn Trươi (Núi Vụ Quang). Cao Thắng mất, cụ Phan Đình Phùng thương tiếc vô cùng và tự tay viết hai câu liễn để thờ: “ Ý trời làm sao xét nổi tướng thần chưa chiến thắng, Anh hùng thôi vậy, ngậm buồn chí lớn chẳng thành công. Việc cầu thành công bởi mái chèo quyết đánh quân giặc nước, Nay nhân dự liệu giữ vọng lâm đành vắng bóng người trung”. ( Trích sổ truyền thống nhà trường) |