I. Đặt vấn đề Ở bậc THCS, môn Ngữ Văn có một vị trí quan trọng đặc biệt. Ngoài việc cung cấp kiến thức như các môn học khác, môn Ngữ Văn còn góp phần to lớn trong việc bồi dưỡng tư tưởng tình cảm cho các em học sinh: Biết yêu thương quý trọng gia đình, thầy cô, bạn bè, có lòng yêu nước, biết hướng tới những tư tưởng cao đẹp như lòng nhân ái, tinh thần tôn trọng lẽ phải, sự công bằng, lòng căm ghét cái ác, cái xấu. Bước đầu, các em có năng lực cảm thụ các tác phẩm có giá trị nhân văn cao cả. Môn Văn còn là một trong ba môn học chính, là môn thi bắt buộc của học sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cùng với hai môn Toán và Tiếng Anh. Học Văn là một quá trình dài vừa tích lũy kiến thức vừa trau dồi cảm thụ, nó là một vấn đề trừu tượng đòi hỏi sự chăm chỉ và lòng đam mê. Tuy vậy không phải học sinh và bậc phụ huynh nào cũng nhận thức được điều này. Đại đa số phụ huynh và học sinh lâu nay còn xem nhẹ hoặc còn chưa nhận thức đúng đắn về vai trò cũng như tầm quan trọng của việc học môn Ngữ Văn. Đây là một vấn đề gây nhiều trăn trở cho những người dạy môn Văn ở các trường phổ thông nói chung, với các trường THCS nói riêng, đặc biệt là ở mỗi mùa tuyển sinh . Vấn đề của các trường THCS là nâng cao chất lượng môn Ngữ Văn trong nhà trường và chất lượng kỳ tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn cho học sinh lớp 9 quận Sơn Trà. II. Thực trạng dạy- học môn Ngữ Văn hiện nay trong nhà trường. 1.Thuận lợi - Môn Ngữ Văn có vị trí đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu chung của trường THCS, được coi là môn học công cụ, môn học bắt buộc ở cả ba cấp, hướng tới việc hình thành và phát triển các năng lực cho học sinh, hình thành những con người vừa có tri thức vừa có tình cảm, đồng thời là môn học có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tuyển sinh nên phần lớn được các bậc phụ huynh, học sinh quan tâm, chú ý. - Các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn đều đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, có lòng yêu nghề, nhiệt tình giảng dạy, có nhận thức đúng đắn về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá.Giáo viên được trang bị kiến thức và phương pháp giảng dạy bộ môn trong trường sư phạm; hơn nữa lại có vốn sống từ thực tế, kinh nghiệm trong giảng dạy nên việc chiếm lĩnh, làm chủ lượng kiến thức trong từng tiết dạy là điều không khó. - Sự quan tâm của các cấp quản lý giáo dục, đặc biệt là Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng bộ môn. Khó khăn: - Do đặc thù của bộ môn khoa học xã hội nói chung và bộ môn Ngữ Văn nói riêng vẫn còn một số giáo viên giảng dạy lúng túng trong việc triển khai các hoạt động dạy học nhằm tạo một tiết học sinh động để thu hút sự chú ý của học sinh. - Tâm lí phụ huynh, học sinh vẫn ưu tiên đầu tư cho các môn tự nhiên, đặc biệt các môn: Toán, Tiếng Anh mà ít mặn mà với bộ môn Văn, chỉ tập trung học vào giai đoạn nước rút chuẩn bị thi vào lớp 10. Bên cạnh đó nhiều học sinh có học lực trung bình hoặc trung bình khá biết sức mình khó vào được trường công loại 1, nên chỉ ôn tập cho có chứ chưa thật sự cố gắng. - Kiến thức văn học, kiến thức xã hội của học sinh còn rất hạn chế, các em có thể am hiểu và say sưa khám phá về những vấn đề liên quan đến lứa tuổi , nhưng sự hiểu biết về thế giới, về môi trường, về quê hương đất nước, về những gì đang diễn ra xung quanh các em còn rất ít ỏi và sơ sài. -Nội dung ôn thi lớp 10 của bộ môn Ngữ Văn khá rộng : kiến thức phân môn tiếng Việt tổng hợp từ lớp 6,7,8,9. Chính những khó khăn trên là thực trạng khiến chất lượng môn Ngữ Văn tuyển sinh vào lớp 10 chưa cao. Nguyên nhân a) Nguyên nhân chủ quan - Bệnh lười học trở thành trào lưu, đặc biệt là môn Ngữ Văn- một bộ môn yêu cầu khá nhiều thời gian cho việc học bài, làm bài, soạn bài. - Các em thích học những bộ môn tự nhiên hơn bởi không cần phải tốn nhiều thời gian để suy nghĩ, tư duy, sáng tạo như môn Ngữ Văn. - Một số học sinh vẫn còn thiếu ý thức trong việc ôn tập, học qua loa, học tủ, trông chờ vào vận may. - Vốn kiến thức xã hội của học sinh rất ít khiến các em gặp nhiều khó khăn khi viết những đoạn văn nghị luận về hiện tượng, đời sống. - Các em còn xem nhẹ môn Văn vì cho rằng đây là môn có nhiều tài liệu tham khảo, không cần học cũng biết, cũng làm bài được. - Một số học sinh trung bình đăng kí vào các trường lấy điểm chuẩn thấp như Tôn Thất Tùng, Ngô Quyền còn ỷ lại vào các điểm cộng: Cộng điểm kết quả cuối năm học các cấp, cộng điểm nghề…từ đó dẫn đến tâm lý học lấy lệ vì nghĩ rằng thi ít điểm cũng đậu. b) Nguyên nhân khách quan - Cuộc sống sôi động, hiện đại với nhiều phương tiện hỗ trợ học tập phong phú đa dạng như: Sách tham khảo, internet…dẫn đến học sinh học Văn một cách thụ động, lệ thuộc, ăn sẵn khiến cho óc quan sát, tưởng tượng cũng như kĩ năng tìm ý và triển khai ý của các em bị hạn chế điều này làm cho học sinh gặp nhiều khó khăn thậm chí không biết viết Văn một cách độc lập. - Các em không có thời gian để đầu tư cho môn học cần nhiều sự suy nghĩ, sáng tạo, tư duy khi thời gian dành cho việc học trên lớp, học ngoài giờ còn quá nhiều. - Cuộc sống hiện đại với những phương tiện, thiết bị máy móc ra đời cùng với đó là những trò chơi, hình thức giải trí đi kèm như: Điện tử, facebook…khiến học sinh không còn hứng thú, không quan tâm đến việc đọc, cảm nhận, cảm thụ những tác phẩm Văn học hay những bài Văn hay dẫn đến kĩ năng viết Văn của học sinh ngày càng đi xuống. - Một số giáo viên vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình trong quá trình giảng dạy, thiếu sự quan tâm, theo sát, đôn đốc học sinh học tập. III. Biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ Văn, ôn tập luyện thi lớp 10 1. Biện pháp nâng cao dạy học môn Ngữ Văn Muốn nâng cao chất lượng môn Ngữ Văn nói riêng, các môn khác nói chung ở lớp 9, trước hết phải nâng cao chất lượng từ lớp 1 đến lớp 8. Bởi lẽ kiến thức luôn có tính kế thừa. a) Đối với giáo viên phải hoàn thành nhiệm vụ của mình cụ thể: - Nắm vững kiến thức, thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng việc nắm vững những yêu cầu của Bộ về việc đổi mới phương pháp dạy học như: Chương trình sách giáo khoa; Các phương pháp dạy học; các kiến thức kĩ năng lồng ghép, tích hợp, tích hợp liên môn để giải quyết vấn đề của cuộc sống, đổi mới kiểm tra đánh giá, sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt chú ý dạy cho học sinh tự hình thành kĩ năng sống và hình thành cách học cho các em. - Ngay từ đầu năm học, giáo viên phải hướng dẫn học sinh cách soạn bài, cách tự học ,tự tiếp cận tài liệu .Từ đó, các em mới có sự say mê học tập, say mê nghiên cứu một cách tự giác. -Thống nhất chương trình dạy học cho cả nhóm và đề ra những biện pháp cụ thể giúp học sinh có hứng thú trong học tập môn Ngữ Văn. - Giáo viên cần đầu tư, thiết kế tiết dạy với hệ thống câu hỏi phù hợp ,với phương pháp hợp lí để có một tiết dạy thành công tạo hứng thú cho học sinh. - Sáng tạo và tự giác trong việc làm đồ dùng dạy học, thiết kế giáo án điện tử làm phương tiện hỗ trợ dạy học. - Khi giảng dạy, giáo viên cần chú ý đến từng đối tượng học sinh trong lớp, giữa lớp này với lớp khác để có phương pháp giảng dạy phù hợp, tìm hiểu xem học sinh yếu kiến thức, kĩ năng nào để có biện pháp khắc phục, đồng thời bồi dưỡng nâng cao kiến thức đối với học sinh giỏi . - Giáo viên cần cho học sinh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của bộ môn Ngữ Văn, cho các em thấy môn Văn không chỉ cung cấp kiến thức, kĩ năng mà còn là môn ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập cũng như tuyển sinh vào trung học phổ thông. - Giáo viên trong công tác giảng dạy cần ý thức rõ vai trò và nhiệm vụ thiêng liêng của người thầy giáo. Hơn nữa, giáo viên cần quan tâm, tìm hiểu những chuyển biến tâm lý, nguyện vọng, những khó khăn của học sinh trong vai trò là chị, là mẹ, là người bạn để kịp thời nắm bắt và điều chỉnh hành vi cũng như kéo các em về với bài học, với môn học để chú tâm hơn trong nhiệm vụ thi tuyển lớp 10 b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm Thông báo cho giáo viên chủ nhiệm về tình hình học tập của học sinh, nhất là những học sinh chưa chịu khó, chưa tích cực hoặc có năng khiếu học Ngữ Văn để có biện pháp giúp đỡ, bồi dưỡng. c) Kết hợp với gia đình học sinh - Giáo viên giảng dạy liên hệ với GVCN nắm được điện thoại phụ huynh để liên lạc hoặc trực tiếp gặp phụ huynh hoặc thông qua hệ thống SMS trao đổi về tình hình học tập của các em, cùng với phụ huynh tìm biện pháp nâng cao chất lượng học tập môn Ngữ Văn. - Có thể đề nghị nhà trường tổ chức họp phụ huynh từng lớp, chung toàn khối để thông báo với gia đình, bàn với gia đình những biện pháp nâng cao chất lượng học tập (nếu cần). d) Kết hợp giữa học chính khóa và học thêm, phụ đạo Học chính khóa chưa đủ thời gian để rèn luyện kĩ năng và phương pháp cho học sinh cho nên thành phố đã cho phép các trường trung học cơ sở tổ chức học thêm, học phụ đạo tại trường để nâng cao chất lượng dạy học các môn nói chung và môn Ngữ Văn nói riêng. Vì vậy, giáo viên dạy thêm cần lựa chọn những kiến thức cơ bản để dạy một cách có hệ thống, kết hợp rèn luyện cho các em viết đoạn văn cảm nhận, kĩ năng phân tích đề, hoặc làm những bài tập thực hành kĩ năng về phân môn tiếng Việt ở mức độ cao hơn. 2. Giải pháp nâng cao chất lượng ôn tập, luyện thi lớp 10 môn Ngữ Văn a) Về phía nhà trường - Ban giám hiệu nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức ôn tập luyện thi lớp 10. Vào cuối học kì I, khi họp Phụ huynh học sinh khối lớp 9, Ban giám hiệu nên có cuộc họp trước toàn khối để chỉ đạo GVCN thực hiện: + Thông báo điểm chuẩn vào trường công lập như Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, Trần Phú… các năm học trước để phụ huynh định hướng con chọn trường cho phù hợp với sức học. + Thông báo điểm tuyển sinh ba môn Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh các năm vừa qua. (Tỷ lệ chung của thành phố, quận, và của trường) + Từ đó nêu lí do tổ chức học ôn tập, luyện thi lớp 10 trong đó có môn Ngữ Văn. - Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các nhóm chuyên môn: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh lớp 9 thống nhất nội dung dạy từng tuần, tháng và cả thời gian ôn tập luyện thi. - Trong quá trình tổ chức ôn tập, Ban giám hiệu thường xuyên tổ chức những cuộc họp với giáo viên dạy ba môn Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh để định hướng phương pháp dạy, nội dung ôn tập phù hợp, đạt hiệu quả cao. - Dạy ôn tập luyện thi lớp 10 nhà trường vẫn thực hiện ghi sổ đầu bài để theo dõi việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh. Vì có ghi sổ đầu bài nên học sinh có thái độ học tập nghiêm túc hơn. b) Về phía giáo viên chủ nhiệm - Giáo viên bộ môn Ngữ Văn kết hợp với giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở, động viên các em, hoặc liên hệ với gia đình tạo sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, góp phần nâng cao chất lượng ôn tập, luyện thi môn Ngữ Văn. - Giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với giáo viên bộ môn động viên, đôn đốc các em học sinh trong việc học, đặc biệt là trong thời gian ôn tập. - Giáo viên chủ nhiệm thông qua các kì họp phụ huynh giúp cho phụ huynh thấy được vai trò thực tế của bộ môn Ngữ Văn trong thi tuyển lớp 10 để đôn đốc con em học tập. - Việc chọn trường vừa sức với học sinh cũng là một yêu cầu rất quan trọng để tránh tình trạng các em bị điểm liệt, do đó giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cần phối hợp tư vấn cho phụ huynh, cho học sinh trong việc chọn trường dự thi. c) Về phía giáo viên dạy ôn tập, luyện thi - Giáo viên phải nắm được cấu trúc đề thi của Sở Giáo dục-Đào tạo, đặc biệt những năm gần đây để có định hướng ôn tập hiệu quả. Cấu trúc đề thi thường có ba phần: Tiếng Việt, Nghị luận xã hội, Nghị luận văn học. Dựa vào cấu trúc đó, giáo viên tổ chức ôn tập cho học sinh theo từng chuyên đề, từng phân môn với thời gian hợp lí. -Với từng phân môn, giáo viên hệ thống kiến thức và ôn luyện cho học sinh cụ thể: * Đối với phân môn Tiếng Việt + Trong đề thi thường có biểu điểm 2 hoặc 3, chủ yếu hướng vào hai nội dung: Phần Tiếng Việt của lớp 9; Phần tổng kết Tiếng Việt các lớp 6, 7,8. + Phần Tiếng Việt lớp 9: Học sinh làm lại tất cả các bài tập trong sách giáo khoa, sau đó bổ trợ thêm những bài tập nâng cao hoặc bài tập từ đề thi của các năm trước, các tỉnh thành khác. Tổng kết từ vựng; Ôn tập Tiếng Việt nhằm giúp các em nắm lại khái niệm về từ đơn, từ phức; thuật ngữ; nghĩa của từ; từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ; từ đồng âm; từ đồng nghĩa; từ trái nghĩa; cấp độ khái quát nghĩa của từ; trường từ vựng; sự phát triển nghĩa của từ vựng; từ Hán Việt; Thuật ngữ và biệt ngữ xã hội; từ tượng thanh và từ tượng hình; một số phép tu từ từ vựng: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, điệp ngữ, chơi chữ. So sánh sự khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ. Về Tổng kết ngữ pháp ôn lại phần từ loại gồm: danh từ, động từ, tính từ, các từ loại khác như số từ, đại từ, lượng từ, chỉ từ, phó từ, quan hệ từ, trợ từ, tình thái từ, thán từ. Đồng thời ôn lại các cụm danh từ, cụm tính từ, cụm động từ.Bên cạnh đógiáo viên còn ôn các thành phần câu gồm thành phần chính và thành phần phụ; thành phần biệt lập; các kiểu câu. Câu phân loại theo cấu tạo gồm : câu đơn, câu ghép,câu mở rộng thành phần, câu đặc biệt, câu rút gọn; câu chủ động và câu bị động. Trong nội dung này cần giúp học sinh phân biệt được câu ghép và câu mở rông thành phân vì trong thực tế học sinh cứ nhìn thấy câu có 2 cụm chủ-vị là kết luận ngay là câu ghép. Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh để học sinh phân biệt điểm khác biệt cơ bản giữa câu đặc biệt và câu rút gọn đó là với câu rút gọn chúng ta có thể khôi phục lại thành phần đã lược bỏ còn câu đặc biệt thì không. Ngoài ra giáo viên hướng dẫn học sinh cách chuyển đổi từ câu chủ động sang câu bị đông theo hai cách. Câu phân biệt theo mục đích nói gồm : câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán, câu trần thuật. Trong phần này giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh nhận biết đặc điểm hình thức và chức năng chính của các kiểu câu. Hướng dẫn học sinh thực hành các đề thi tuyển sinh của Sở Giáo Dục Thành phố Đà Nẵng từ trước đến nay qua những buổi luyện thi sau khi kết thúc học kỳ 2. * Đối với phân môn Tập làm văn Tập làm văn là môn thực hành tổng hợp. Dạy tập làm văn không chỉ dạy cho học sinh nắm được kiến thức mà chủ yếu dạy những kĩ năng thực hành, kĩ năng phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý, dựng đoạn, liên kết đoạn. Cấu trúc đề thi tuyển sinh phần tập làm văn có hai câu thuộc hai dạng: Nghị luận xã hội, nghị luận văn học + Nghị luận xã hội: Phần này có biểu điểm từ 2-3 điểm. Ở lớp 9, học sinh được học hai kiểu bài nghị luận xã hội: Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và Nghị luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí. Để giúp học sinh làm tốt dạng nghị luận xã hội, giáo viên cần chú ý: Học sinh phải nắm được yêu cầu về hình thức của đề: Viết một đoạn văn hay một bài văn ngắn. Nếu viết đoạn văn dài quá hoặc bài văn ngắn quá thì không hợp lí về bố cục. Cần bố trí thời gian làm bài phù hợp cho dạng bài này. Nên ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề. Ví dụ: Môi trường, đạo lí, tình cảm con người, việc học và đọc sách, tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo… Ở mỗi chủ đề cho học sinh làm quen vài đề. Dạy theo chủ đề sẽ giúp cho học sinh dễ tích lũy kiến thức và thu thập tài liệu một cách có hệ thống. Học sinh nắm được mô hình dàn ý của từng kiểu bài: Nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống đáng khen hay đáng chê. Nghị luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí: Thường có ba yêu cầu về hình thức: Suy nghĩ về một câu tục ngữ, ca dao; suy nghĩ về một ý kiến, một câu nói; Suy nghĩ về một câu chuyện. Ở mỗi yêu cầu đó, giáo viên cần chỉ cho học sinh thấy được điểm giống và khác nhau. Giáo viên hướng dẫn học sinh cách đặt câu hỏi để tìm luận điểm, luận cứ: Ví dụ: Nghị luận về sự việc, hiện tượng trong đời sống: - Những biểu hiện của sự việc, hiện tượng, - Ý nghĩa của những biểu hiện (hiện tượng, sự việc đáng khen), - Nguyên nhân gây ra những hiện tượng ấy, - Tác hại của sự việc, hiện tượng, - Biện pháp giải quyết. Nghị luận về tư tưởng, đạo lý: - Tư tưởng, đạo lý ấy được hiểu như thế nào? - Vấn đề nghị luận đó đúng hay sai? Vì sao? - Nêu ý nghĩa, tác dụng của vấn đề, - Phê phán những hành vi đi ngược lại với truyền thống, đạo lý, - Thái độ và bài học của bản thân. + Nghị luận văn học: Trong đề thi, phần này có số điểm khá cao: 5 điểm. Để giúp học sinh làm tốt phần này, giáo viên cần chú ý: + Nghị luận về tác phẩm truyện ( hoặc đoạn trích) : yêu cầu cần đạt là trình bày được những nhận xét đánh giá của mình về nhân vật, chủ đề hay nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể. Đối với kiểu bài nghị luận tác phẩm truyện, hoặc đoạn trích trọng tâm của chương trình tập làm văn lớp 9 là nghị luận nhân vật. - Cơ sở nghị luận là ý nghĩa của cốt truyện, tính cách số phận của nhân vật và nghệ thuật trong tác phẩm. Đối với yêu cầu nghị luận về nhân vật, cần dựa trên cơ sở những chi tiết miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, diễn biến nội tâm của nhân vật và những nhận định về nhân vật của người kể chuyện hay của các nhân vật khác trong truyện. Đối với kiểu bài này các yêu cầu nghị luận thường gặp là : Nghị luận nhân vật Nghị luận về một chi tiết hoặc tình huống truyện ví dụ : “ Cái bóng” trong “ Chuyện người con gái Nam Xương”; hình ảnh “chiếc lược ngà trong “Chiếc lược ngà”. Nghị luận chủ đề truyện ví dụ thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua “ Chuyện người con gái Nam Xương”; những con người thầm lặng sống và cống hiến qua “Lặng lẽ Sa Pa” . + Nghị luận một đoạn thơ bài thơ Yêu cầu cần đạt là trình bày được những nhận xét , đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ đó. Cơ sở nghị luận là các tín hiệu nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ, thể thơ, giọng điệu, ngôn từ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật. Để làm bài nghị luận văn học nói chung, yêu cầu người viết phải nắm được các kiến thức chủ yếu sau : Cuộc đời, sự nghiệp, phong cách của tác giả. Phải hiểu được tác giả là người như thế nào, có sở trường gì? Đặc điểm về phong cách. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm: Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh xã hội nào, lúc ấy tác giả đang làm gì? Nội dung, chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm: Nắm được thể loại, cấu trúc, đề tài, chủ đề, nhân vật trữ tình, cảm hứng chủ đạo; đặc sắc nghệ thuật về sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu, xây dựng hình tượng. Học sinh cần phân biệt được “cảm nhận”, “phân tích” trong nghị luận văn học. - Cảm nhận là trình bày những suy nghĩ cảm xúc, nhận xét, đánh giá của mình về cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Cảm nhận xoáy vào những ấn tượng chủ quan của người viết về những điểm sáng thẩm mỹ trong tác phẩm. Vì vậy, người viết phải biết chắt lọc cảm xúc, trình bày những ấn tượng sâu sắc, xúc động nhất về tác phẩm. Cảm nhận thiên về cảm xúc nhiều hơn. - Phân tích đòi hỏi phải xem xét tác phẩm một cách toàn diện từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Phân tích cần hướng vào từng mặt, từng chi tiết để tìm hiểu, nhận xét rồi rút ra kết luận. Phân tích thiên về hiểu biết, bài phân tích có tính logic, trí tuệ. Tuy nhiên không nên tách bạch hai thao tác này vì : phân tích mà không có cảm nhận thì bài viết sẽ khô khan. Cảm nhận mà không phân tích thì sẽ thiếu cơ sở thuyết phục. Cảm nhận phải dựa trên sự phân tích để làm điểm tựa cho sự thăng hoa của cảm xúc. Nói cách khác mọi cảm xúc rung động của người viết, phải bắt nguồn từ sự phân tích ngôn ngữ, hình ảnh trong tác phẩm. * Đối với phân môn Văn học - Đọc lại toàn bộ văn bản trước khi học (Mặc dù ở phần học chính khoá đã đọc). Đối với văn bản là tác phẩm thơ phải học thuộc, là văn xuôi phải tóm tắt được nội dung của văn bản, học thuộc dẫn chứng. - Với những tác phẩm có tác giả cần nắm chắc được về tiểu sử tác giả (Năm sinh năm mất – nếu có – tên khai sinh, bút danh, quê quán), sự nghiệp văn chương của tác giả đó, hiểu được hoàn cảnh sáng tác tác phẩm . - Nắm chắc được giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm (tìm hiểu phần nội dung cần đạt, phần ghi nhớ). - Biết phân tích, cảm thụ một số chi tiết (câu, đoạn) được cho là đặc sắc (Đối với học sinh khá, giỏi) - Giáo viên cần ôn tập cho học sinh nắm kiến thức văn bản theo từng thể loại: Truyện, thơ; từng giai đoạn: Trung đại, hiện đại; từng chủ đề: tình cha con, người lính, hình ảnh người phụ nữ… Nếu đề ra yêu cầu so sánh hai tác phẩm, hai đoạn trích, hai nhân vật, hai đoạn thơ thì học sinh trên cơ sở giáo viên đã hướng dẫn phương pháp sẽ giải quyết tốt hơn phần này; đồng thời các em có thể liên hệ để bài viết thêm phong phú Ví dụ: Cảm nhận hỉnh ảnh người lính trong bài thơ “Đồng Chí” của Chính Hữu, học sinh có thể liên hệ hình ảnh người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Hoặc cảm nhận về lòng yêu nước của ông Hai trong đoạn trích “Làng” của Kim Lân, học sinh có thể liên hệ lòng yêu nước của anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. IV.Kết luận Tóm lại, nâng cao chất lượng dạy học, luyện thi lớp 10 môn Ngữ Văn là quá trình dài, có sự kế thừa kiến thức trong chương trình Ngữ Văn từ lớp 6 đến lớp 9, phải thực hiện từ hai phía giáo viên và học sinh, trong đó có sự quan tâm của các cấp quản lí và phụ huynh học sinh. Đặc biệt giáo viên đóng vai trò quan trọng để định hướng các em ôn tập có hiệu quả, đạt chất lượng./. Tổ Ngữ văn |