Dành cho Giáo viên

Username:

 
Password:  
 
Những bài hát về thầy cô

 
TƯ LIỆU LỊCH SỬ

Quảng trường Ba Đình lịch sử và ngày lễ Độc lập 2/9/1945

                 Quảng trường Ba Đình được xem là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính nơi đây đã lưu giữ dấu ấn nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc ta. Đặc biệt, cách đây tròn 66 năm, vào ngày 2/9/1945, ngay tại Quảng trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Quảng trường Ba Đình xưa là cửa phía Tây của Thành cổ Hà Nội. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã phá thành vào năm 1894 và tại cổng phía Tây này, Pháp cho xây một vườn hoa nhỏ đặt tên là Rond Point Puginier, còn gọi là  Quảng trường tròn (rond point: điểm tròn) hay Vườn hoa Puginier (Puginier là tên một vị cha cố). Xung quanh Vườn hoa Puginier này một số công trình công sở, biệt thự được xây dựng. Một trong những công trình được xây dựng sớm là Phủ Toàn quyền (1902), sau này là Phủ Chủ tịch. Về sau thêm các công trình quan trọng khác là trường Albert Sarraut (1919), nay là Cơ quan Trung ương Đảng  và Sở Tài chính (1925), nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao.

Cái tên Quảng trường Ba Đình do bác sỹ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng thành phố từ ngày 20/7 đến 19/8/1945 đặt tên. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Ba Đình vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình huyện Nga Sơn, Thanh Hoá vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân của quân và dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng tháng Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ kéo dài hàng nghìn năm của chế độ phong kiến, xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhân dân ta từ địa vị nô lệ đã vươn lên trở thành những người chủ của đất nước, tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời Tân Trào về Thủ đô Hà Nội. Sáng ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9; Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách thảo bản Tuyên ngôn độc lập.

Có nhiều địa điểm được đưa ra lựa chọn để làm nơi diễn ra sự kiện trọng đại: Lễ Độc lập. Lúc đầu khu Quần ngựa hoặc Đông Dương học xá (Đại học Bách Khoa bây giờ) được đưa vào danh sách lựa chọn nhưng song không phù hợp vì thấy quá xa trung tâm Hà Nội lúc đó. Nếu chọn Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố thì lại sợ quá chật chội. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Quảng trường Ba Đình (Vườn hoa Ba Đình lúc đó) đã được chọn là nơi diễn ra lễ Độc lập, cho dù lúc bấy giờ xung quanh địa điểm này còn có những cơ quan như Phủ Toàn quyền, Thành Hà Nội... là những nơi vẫn còn khá nhiều lực lượng thù địch với cách mạng đang chiếm đóng.

Ngày 28/8/1945, Ban Tổ chức ngày lễ Độc lập được thành lập. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) làm Trưởng ban, chịu trách nhiệm lo liệu công tác tổ chức ngày lễ Độc lập với một mệnh lệnh: “Đây là sự kiện lịch sử lớn kết thúc Cách mạng tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” kèm theo một lời khích lệ đầy tin tưởng: “Việc khó mới giao cho chú!”. Công tác chuẩn bị tổ chức ngày lễ Độc lập được tiến hành gấp rút, tất cả những người tham gia thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy đều nỗ lực hết mình, làm việc suốt ngày đêm không mệt mỏi với tinh thần trách nhiệm cao.

Công việc dựng lễ đài bắt đầu từ ngày 28/8 và phải hoàn tất trong ngày 1/9. Theo dự tính, lễ đài phải đủ cao, đủ rộng để 2/3 số dân nội và ngoại thành Hà Nội tham dự có thể nhìn thấy. Là người có kinh nghiệm tổ chức nên ngay lập tức, ông Nguyễn Hữu Đang cho mời các kiến trúc sư để thiết kế lễ đài, đồng thời cho gọi thợ mộc thi công. Lễ đài mừng ngày Độc lập, công trình kiến trúc vĩ đại được làm bằng gỗ, ván, đinh và vải. Thời gian thiết kế và thi công vẻn vẹn trong vòng 48 giờ, yêu cầu chặt chẽ không được chậm trễ, nếu chậm 1 giờ là lỡ thời cơ công bố văn kiện “Tuyên ngôn Độc lập”. Và cuối cùng thì công việc cũng đã hoàn thành theo đúng dự kiến.

Và ngày mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mong đợi đã đến. Ngày 2/9/1945, khắp mọi nẻo đường, con phố trên Thủ đô Hà Nội đều tung bay cờ, hoa và khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Những ai có dịp chứng kiến giờ phút thiêng liêng của lịch sử sẽ không thể quên không khí, bối cảnh Quảng trường Ba Đình ngày lễ Độc lập năm ấy. Một biển người đứng chật Quảng trường rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ kính yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Họ giương cao cờ, hoa và biểu ngữ, môi nở nụ cười, miệng hát vang bài ca cách mạng. Rừng cờ tung bay phấp phới trước gió mùa thu.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh Internet

 Đúng 2 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ kaki giản dị bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời. Bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, Người đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cả biển người im lặng phăng phắc lắng nghe từng câu, từng chữ của Người. Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Hồ Chủ tịch đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Sau khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, toàn thể thành viên trong Chính phủ làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã trình bày tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ. Tiếp đến là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu báo cáo về việc Đoàn đại biểu Chính phủ đi tước ấn kiếm của Bảo Đại. Đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng nói về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Minh và hô hào quần chúng nhân dân đoàn kết ủng hộ Chính phủ, thi hành triệt để chương trình kiến quốc của Việt Minh. Cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên lễ đài một lần nữa, Người kêu gọi nhân dân kiên quyết hy sinh để giữ vững nền độc lập mới giành được. Lễ mít tinh đã chuyển thành một cuộc tuần hành rầm rộ trong thành phố.

Kể từ đây, một kỷ nguyên mới bắt đầu mở ra cho dân tộc ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân lao động sau những năm tháng nô lệ đã rũ bùn đứng lên trở thành con người tự do, người chủ của đất nước. Ba ngày sau đó, ngày 5/9/1945, với tư cách là chủ nhà, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đón tiếp quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta.

Sau lễ Tuyên bố độc lập, Quảng trường Ba Đình có tên mới là Quảng trường Độc lập. Những năm sau đó, cùng với bao thăng trầm, đổi thay của đất nước, Quảng trường Ba Đình cũng đã mấy lần đổi tên. Sau năm 1954, có ý kiến lấy tên là Quảng trường Độc lập nhưng Bác Hồ đề nghị giữ cái tên Ba Đình. Ngày Bác mất, Quảng trường Ba Đình lịch sử là nơi diễn ra lễ truy điệu Người. Sau này, Đảng và Nhà nước đã quyết định khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính tại lễ đài, nơi được dựng lên để Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình.

Quảng trường Ba Đình ngày nay. Ảnh Internet

Đã 66 năm trôi qua kể từ lễ Độc lập 2/9/1945, Quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa cho đến tận ngày nay. Nơi đây đã chứng kiến bao sự kiện lớn, đánh dấu những bước trưởng thành của cách mạng nước nhà trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong suốt những năm qua, Quảng trường Ba Đình lịch sử thường xuyên được chọn là nơi để tổ chức các cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại hoặc đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính trị - văn hóa lớn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, đạo đức cho các thế hệ con cháu Lạc Hồng./.

Thu Hiền (Tổng hợp)

 

Tin mới nhất

Trang sau  

 
?
       
 

TR??NG TRUNG H?C C? S? CAO TH?NG

[??u trang ▲]  
  ??a ch?: 59 Mai H?c ??, Qu?n S?n Trà, Thành ph? ?à N?ng
Tel: (84) 0511 3946100; Fax: (84) 0511.3831212
Ban biên t?p: leanhdongpnt@gmail.com ; Website: www.thcs-caothang-danang.edu.vn
 
Truy c?p: 877