Làng Nại Hiên Đông vốn là cư dân vạn chài gốc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá vào Nam, định an sở nghiệp tại cồn cát mọc đầy lau sậy và có các loài thuỷ sản như tôm, cá nhỏ, phi, sò, ốc, hến ở đầm lầy nên thường có từng đàn chim nhạn về đây săn mồi và trú ẩn, vì thế còn có tên “Cồn Nhạn”. Trên mái hiên đình thường là nơi làm tổ của loài chim Nhạn (hiên đình Nhạn trạch), nên đình làng Nại Hiên Đông còn có tên gọi “Xứ chim Nhạn”. Trong đình có các câu đối khắc ghi những giá trị lịch sử : Nhật xuất Đông hiên vạn vật, hướng dương hàm cổ sắc Long hoàn Tây Nhạn thiên thu diển phái ấn văn quang Thánh trạch vận nhu văn vật y quan tương thủ địa Thần thông tạo hoá thái hoà cảnh tượng khí ư thiên Tạm dịch là : Trời mọc hướng Đông vạn vật đều qui ngưỡng, nuôi dưỡng dựng lên muôn màu sắc Rồng bay chim Nhạn múa, nghìn năm phát triển về hướng Tây đều không quên nơi xuất phát Đất thánh văn chương, êm dịu, áo mẫu cân đai nơi xuất xứ Trời cao màu nhiệm, thái hoà tạo nên cảnh tượng chính là đây
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, Đà Nẵng là nơi quân Pháp tấn công đầu tiên, đình Nại Hiên Đông là nơi hứng chịu nặng nề nhất của cuộc chiến tranh. Năm 1945 - 1954, đình là nơi là nơi hội tụ của lực lượng vũ trang Khu Đông Đà Nẵng, nơi giữ hàm thư mật để chuyển tài liệu cách mạng ra các tàu thuỷ đậu ở vịnh Đà Nẵng. Chính vì vậy mà năm 1947, giặc pháp đốt cháy, phá nát toàn bộ ngôi đình. Năm 1950 ngôi đình được xây dựng lại tranh tre mây lá, năm 1957 đình được xây dựng kiên cố bằng gạch ngói, xi măng, năm 1994 đình lại được trùng tu.
Ngày 18/3/2002 Uỷ ban nhân dân thành phố đăng ký Đình làng Nại Hiên Đông là “Di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử Cách mạng”. |